Wednesday, May 28, 2008

CÁC LOẠI ĐÁ TỰ NHIÊN (TIẾP)


Trên: Đá biến chất marble trắng Nghệ An 
Dưới: Sơ đồ hình thành đá trầm tích
 2. Đá trầm tích (đá cát kết, đá vôi, travertine) là lọai đá có chủ yếu ở biển hoặc ở hồ hình thành từ xác của các lòai động thực vật lâu năm không phân hủy hay là do sự vận chuyển và lắng đọng của các lọai đá.
Tất cả các loại đất đá khi lộ ra trên mặt đất đều chịu tác động của các nhân tố gió, nước và sinh vật. Kết quả là đá bị phá hủy. Một bộ phận hòa tan tạo thành dung dịch lỏng, bộ phận khác tạo thành những mảnh vụn có kích thước khác nhau. Các mảnh vụn và dung dịch này trôi theo nước mưa, gió... lắng đọng. Đá trầm tích được tạo thành qua quá trình tích tụ của các phần tử trầm tích được không khí, nước đá, các dòng chảy mang đến. Trong quá trình hình thành lớp đá trầm tích, trọng lượng đá tạo nén thành các lớp rắn khác nhau và các chất lỏng ban đầu được chiết xuất ra ngoài.
Đá trầm tích là thông tin quan trọng thể hiện lịch sử trái đất. Nó cung cấp cho chúng ta những hóa thạch của các thực vật và động vật cổ. Thành phần đá trầm tích cho chúng ta thấy được các thành phần nguyên thủy của đá. Sự khác biệt của các lớp trầm tích cũng chỉ ra những thay đổi của môi trường theo thời gian. Đá trầm tích có khả năng giữ được các hóa thạch vì không giống như đá núi lửa hay đá biến chất, nhiệt độ và áp suất trong quá trình lắng đọng không phá hủy phần còn lại của các hóa thạch.
Đá trầm tích phủ trên bề mặt trái đất có diện tích lớn Tuy nhiên tỷ trọng chỉ chiếm khoảng 5% lớp vỏ ngoài. Như vậy lớp đá trầm tích chỉ là một lớp mặt mỏng phủ trên lớp đá núi lửa và đá biến chất.
3 . Đá biến chất (marble, serpentine, onyx, slate, quartzite, gneiss) là các lọai đá hình thành từ đá trầm tích hoặc các lọai đá được tạo thành dưới tác dộng của nhiệt độ cao, áp lực lớn hay do phản ứng hóa học với macma, bị biến đổi mãnh liệt về thành phần, tính chất. Trong các loại đá biến chất, đá marble là loại đá được ứng dụng rộng rãi trong ốp lát và trong ngành xây dựng.
Marble là loại đá được hình thành do sự biến chất của các loại đá vôi, đá carbonate hay đá dolomit. Quá trình biến chất tái tinh thể hóa các loại đá trầm tích này để thành các vân tinh thể đá xen kẽ lẫn nhau. Nhiệt độ và áp suất để hình thành đá marble thường phá hủy toàn bộ các hóa thạch và vân đá nguyên thủy.

Đá marble trắng là kết quả của sự biến hóa các đá vôi có độ tinh khiết rất cao. Những xoáy, vân đá của những đá marble có màu sắc khác nhau là do nhiều loại kháng chất khác nhau hình thành như đất sét, cát, oxit sắt… thường có nguồn gốc là những hạt hay lớp đá trong đá trầm tích.

Tuesday, May 27, 2008

CÁC LOẠI ĐÁ TỰ NHIÊN

Trên: Một góc núi đá Granite đen ở miền Trung 
Dưới: Đá Granite Vàng Bình Định 
Căn cứ theo cấu tạo địa chất của đá, người ta thường phân làm 3 loại đá chính: Đá trầm tích, đá biến chất và đá núi lửa.

1. Đá do núi lửa tạo thành - Còn gọi là đá Igneous  (granite, syenite, diorite, gabbro, andesite và basalt) là lọai đá hình thành từ dòng nham thạch núi lửa phún trào.
Hầu hết các nham thạch được hình thành từ phần trên của lớp vỏ trong của trái đất với nhiệt độ vào khoảng 600 – 1600 oC.
Khi nham thạch nguội đi, các khoáng chất nóng chảy được tinh thể hóa từng phần ở các nhiệt khác nhau. Phần lớn thành phần hóa học của đá bao gồm các chất silicon, oxygen, nhôm, sodium, potassium, calcium, sắt, và magnesium, các chất này kết hợp tại nên khoáng chất silicat.
Đá núi lửa chiếm khoảng 5% lớp vỏ ngoài trái đất nhưng có trữ lượng rất ẩn lớn dưới lớp mỏng các loại đá trầm tích và đá biến chất.


Monday, May 26, 2008

Lịch sử hình thành đá

Dòng nham thạch núi lửa - Một nguồn hình thành đá 
Một núi đá ở Italy 

Đá là vật liệu thể rắn có kết cấu gồm một hay nhiều loại khoáng chất thiên nhiên hình thành. Khoáng chất trong đá chính là các khoáng chất thể lỏng và thể khí cấu tạo nên trái đất. Trái đất được hình thành từ một khối lượng khổng lồ các khoáng chất lỏng và khí nguội dần và đông đặc thành một khối cứng. Do ảnh hưởng của áp suất, lớp vỏ trái đất được hình thành và những khoáng chất nặng chìm xuống sâu thành nhân trái đất. Lớp vỏ trái đất dày lên và cọ xát với lớp nhân bên trong. Các tinh thể và các thể rắn được phát triển dưới lớp vỏ trong quá trình này, khi lớp vỏ gĩan nở và vỡ ra, nhiệt độ và áp suất trong lòng trái đất đẩy các khoáng chất rắn lên bề mặt trái đất hình thành các địa tầng. Thời gian hình thành các địa tầng mất hàng trăm triệu năm. Các mỏ đá đang khai thác hiện nay nằm trên các địa tầng này.

Ngoài ra, đá còn được hình thành qua quá trình bồi lắng và tích tụ các dòng chảy, quá trình silicat hóa các chất hữu cơ (đá trầm tích) hoạc do tương tác của điều kiện đặc thù áp suất, nhiệt độ mà tạo thành (đá biến chất).

Sunday, May 25, 2008

Hello Đá Việt

Núi đá ở Phú Yên 
Đá là một loại vật liệu tự nhiên gần gũi, quen thuộc với tất cả chúng ta. Đá được hình thành như thế nào? Có bao nhiêu loại đá? Đá Việt Nam ở vị trí nào trên bản đồ đá thế giới?... Vô số những câu hỏi làm chúng ta băn khoăn. Blog Đá Việt sinh ra trong hy vọng có thể cung cấp một vài thông tin như vậy 
Hôm nay là khởi đầu.